Ngân hàng rao bán nợ trong mùa đại dịch Covid.
Có thể không ai không biết về sự tàn phá của đại dịch Covid đến kinh tế, đời sống xã hội và tính mạng con người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nó ảnh hưởng từ những tầng lớp giàu nhất cho đến những tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Len lỏi đến từng ngóc ngách của cuộc sống con người.
Và Ngân hàng cũng không nằm ngoài sự tàn phá đó. Khi mà khách vay vốn từ tín chấp (không có tài sản bảo đảm) đến khách vay thế chấp (có tài sản bảo đảm), từ khách vay tiêu dùng vài triệu cho đến vài tỷ và còn nhiều hơn thế nữa.
Vậy giải pháp nào cho Ngân hàng khi vừa đảm bảo được tỷ lệ tăng trưởng mà vẫn đảm bảo được tỷ lệ nợ xấu ? Ngoài những chính sách cơ cấu nợ, giãn nợ và cho vay thêm để trả nợ thì Ngân hàng còn có một giải pháp khác là Bán nợ.
Bán nợ là một hình thức khá mới ở thị trường tài chính ở Việt Nam, nhưng nó đã có từ rất lâu và phổ biến ở các nước phát triển. Nhưng do thực trạng hiện nay cần xử lý gấp về những khoản nợ xấu, nợ khó đòi thì Ngân hàng sẽ đẩy mạnh triển khai hình thức bán nợ này.
Gần đây nhất, Ngân hàng Vietinbank đã đưa ra một danh sách những khoản nợ cần bán (hiện tại là chỉ khoản nợ tín chấp tiêu dùng) có giá trị từ 500.000đ cho đến 101 triệu đồng. Giá bán có thể tính riêng từng khoản vay hoặc theo gói nhiều khoản vay. Định giá bán dự trên các yếu tố như: dư nợ gốc, lãi và phí phạt. Người mua ngoài những phí trên còn chịu thêm các phí chuyển đổi quyền sở hữu khoản nợ, thủ tục hồ sơ…
Có thể đây là bước đầu trong kế hoạch “làm sạch nợ xấu” của các ngân hàng để báo cáo tài chính cuối năm được đẹp cũng như các chỉ sổ tăng trưởng, trích lập dự phòng ở mức cho phép. Hoặc kế hoạch kinh doanh là lập ra các công ty sân sau để “lãnh nợ” cho Ngân hàng, xử lý các khoản vay có mùi “tiêu cực” của nhân viên.
Vậy người vay sẽ phải đối mặt với điều gì khi việc Bán nợ trở nên dễ dàng và phổ biến ? Có thể sẽ bị tính thêm lãi, phí ? Đối tượng đòi nợ không còn là Ngân hàng nữa mà thay vào đó là 1 công ty chuyên đòi nợ ? Bị áp dụng những hình thức đòi nợ “kiểu chợ búa” ?
Khi mà hành lang pháp lý cho hình thức Bán nợ ở Việt Nam chưa thực sự chặt, còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở thì khi các ngân hàng “bán nợ qua lại” sẽ làm cho thị trường tài chính trở nên khó kiểm soát. Người đi vay sẽ không còn biết hiện tại phải đóng nợ cho ai và phải gánh thêm những chi phí gì của khoản vay.
Sơn Hoàng