Vì sao gọi là Thiên đường trốn thuế ?

Vì sao gọi là Thiên đường trốn thuế ?

Hiện nay trên thế giới có khoảng 80 quốc gia được gọi là Thiên đường trốn thuế của giới nhà giàu và các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Điển hình như một số Quốc gia Belize, British Virgin Islands, Panama, Costa Rica, Monaco…đang trở thành thiên đường trốn thuế cho giới siêu giàu “tận dụng” để ngày càng giàu thêm.

Hiểu nôm na của vấn đề này đó là những “thiên đường” có thuế rất thấp hầu như bằng 0. Tại những nơi này có rất nhiều ưu điểm, nhưng nổi trội nhất là 3 ưu điểm như sau: Thuế gần như bằng 0, Không phải công khai báo cáo tài chính hoạt động kinh doanh, Không phải công khai sao kê tài khoản Ngân hàng (điều mà giới nghệ sĩ ở Việt Nam đang rất sợ phải đối mặt). Vậy những nơi như thế này, nguồn thu của quốc gia này đến từ đâu ? Họ sẽ không thu thuế dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp (lời hay lỗ) mà họ thu thuế cố định hàng năm (kiểu như thuế khoán). Và các dịch vụ tư vấn cũng mang về doanh thu rất lớn cho các quốc gia này.

Ví dụ tại Việt Nam cho dễ hình dung: Với mức thuế hiện tại là 20% trên lợi nhuận.

Trước đây, Công ty A ở Việt Nam sản xuất quần đùi, nhập vải ở Công ty B tại Trung Quốc với giá là 10 ngàn. Chi phí để làm ra 1 cái quần thêm 10 ngàn, tổng chi phí cho 1 sản phẩm là 20 ngàn.

Công ty A bán ra thị trường là 100 ngàn. Suy ra lợi nhuận là 80 ngàn. 80 ngàn tiền lời phải đóng thuế cho Việt Nam là 20% tương đương 16 ngàn. Doanh nghiệp lúc đó mang về 64 ngàn.

Nhưng ai làm kinh doanh chả muốn mang về cho mình số tiền cao nhất có thể ?

Cái khó ló cái khôn, Doanh nghiệp A mở thêm 1 công ty C tại các Thiên đường thuế – ví dụ như Panama.

Và qui trình mua bán bây giờ sẽ như sau:

A không nhập hàng trực tiếp từ B với giá 10 ngàn nữa. Mà C là người nhập hàng từ B với giá 10 ngàn=> Trường hợp này B không bị thay đổi về doanh thu.

Sau khi C nhập hàng từ B với giá 10 ngàn. Thì A lại nhập hàng từ C với giá 90 ngàn (Bản chất 2 công ty này là 1). Chi phí sản xuất 1 cái quần của A cũng vẫn là 10 ngàn và giá bán cũng là 100 ngàn. Vì vậy trong báo cáo tài chính thì chi phí để sản xuất 1 cái quần là 100 ngàn. Giá bán ra thị trường là 100 ngàn và Lợi nhuận lúc này bằng 0. Mọi chứng từ kế toán đều phù hợp và hợp pháp nên cơ quan Thuế ở Việt Nam không thể thu thuế của Công ty A. Chưa kể lợi nhuận bằng 0 thì công ty A lại đòi hỏi các quyền lợi: Giảm giá thuê đất, chi phí nhân công…

Vậy tiền lời của Công ty A thay vì trên báo cáo thuế ở Việt Nam thì nay đã chuyển qua Công ty C ở Panama với mức lợi nhuận là 80 ngàn.

Đó là đối với Doanh nghiệp, còn cá nhân trốn thuế thì sao ? 

Ở Việt Nam thì ít trường hợp cá nhân trốn thuế nhưng ở nước ngoài thì điều này có rất nhiều, đặc biệt là các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao.

Ví dụ Cầu thủ A ở Tây Ban Nha ký hợp đồng với CLB M với mức lương là 10 ngàn. Thuế thu nhập hàng năm là 45% tương đương 4.5 ngàn. Cầu thủ A chỉ mang về cho mình 5.5 ngàn. Nhưng đời cầu thủ đỉnh cao chỉ khoảng 10 năm, nên họ sẽ nghĩ ra cách để gia tăng thu nhập trong thời kỳ đỉnh cao để bù cho khoảng thời gian sau giải nghệ.

Lại 1 lần nữa Thiên đường trốn thuế được nhắm tới. Và kiểu trốn thuế thường thấy đó là: Cầu thủ sẽ chia khoản thu nhập ra 2 phần: 1 phần là tiền trả cho công ty chủ quản Bản quyền hình ảnh với mức là 9 ngàn. 1 phần là lương với mức là 1 ngàn.

1 ngàn tiền lương đóng thuế 45% thì có 0.45 đồng.

9 ngàn còn lại thì công ty lại được đặt ở Thiên đường trốn thuế Panama và Cầu thủ A được hưởng hầu như trọn vẹn phần thu nhập này.

Tóm lại, xét về tình thì cách trốn thuế trên đã gây tổn thất rất nhiều cho các Quốc gia khi mà các Cá nhân, doanh nghiệp đang hoạt động trên quốc gia đó nhưng lại không đóng thuế tương ứng so với qui định. Nhưng xét về lý thì lại không sai, mà trong kinh doanh thì làm sao để mang về lợi nhuận cao nhất là được.

Đây cũng là một bài toán hết sức nan giải của các cơ quan quản lý thuế tại các nước. Hy vọng sẽ có qui định chung cho các doanh nghiệp, cá nhân đang “tạm trú ở các Thiên đường trốn thuế” này.

Son Hoang.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top