Ngoài lãi suất thì người đi vay vốn ngân hàng cần quan tâm những yếu tố nào?
Trong giai đoạn khủng hoảng của ngành tài chính và Bất động sản sau những sự kiện cuối năm 2022, đặc biệt nổi trội là sự kiện của tập đoàn BĐS Vạn Thịnh Phát và chuỗi sự kiện của ngân hàng SCB bị kéo theo. Hệ thống Ngân hàng tại Việt Nam và những người đầu tư Bất động sản được xem là những “nạn nhân” chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.
Chuỗi Ngân hàng Thương mại cổ phần thì gồng mình trong việc níu chân khách hàng gửi tiết kiệm, từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, đến việc “chi thêm lãi ngoài” để khách hàng đồng ý gửi tiết kiệm tại ngân hàng, chưa kể một số ngân hàng phải “thanh minh” trong việc hiểu lầm tên gọi với những ngân hàng đang “gặp nạn” ….
Qua năm 2023, thị trường có vẻ im ắng hơn, ít sôi động với những tin tức tiêu cực hơn, nhưng đổi lại là cuộc chạy đua lãi suất gửi tiết kiệm, kéo theo các chi phí khác ngày càng tăng, đặc biệt là Lãi suất cho vay tại các Ngân hàng.
Theo khảo sát, mặt bằng chung lãi suất cho vay của khối Big 4 khoảng 8-9%/năm ưu đãi năm đầu, sau ư đãi thì lãi suất được điều chỉnh khoảng 11-12%/năm, còn khối các Ngân hàng TMCP thì khoảng 11-12%/năm ưu đãi năm đầu và sau ưu đãi khoảng 14-15%/năm (Các khách hàng vay hiện tại đều bị điều chỉnh lãi suất lên khoảng 14-16%/năm). Đặc biệt, khối các Ngân hàng/Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đang có lãi suất cho vay tốt nhất, giao động ổn định từ 8-10%/năm.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những yếu tố mà người đi vay cần quan tâm. Ngoài ra, nếu đi vay vốn thì người đi vay cần để ý thêm những vấn đề sau:
- Lãi suất ưu đãi cố định bao nhiêu tháng, thông thường sẽ có gói ưu đãi 3 hoặc 6 hoặc 12 tháng. Sau ưu đãi thì công thức tính lãi suất áp dụng như thế nào, thông thường sẽ bằng lãi suất gửi tiết kiệm hoặc lãi suất cơ sở do ngân hàng công bố + Biên độ X% (X% là 1 số cố định và được duy trì suốt thời gian vay vốn)
- Có phải tham gia bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm khoản vay không? Giá trị gói bảo hiểm là bao nhiêu? (Nếu phải tham gia bảo hiểm thì người vay nên tìm hiểu kỹ các gói bảo hiểm được Ngân hàng giới thiệu) (Tham khảo thêm: Ngân hàng nào cho vay không bắt mua bảo hiểm)
- Chi phí định giá và Số tiền cho vay tối đa trên giá trị định giá tài sản đảm bảo/thế chấp.
- Hồ sơ cần cung cấp khi đề nghị vay vốn như: Hồ sơ nguồn thu nhập, hồ sơ mục đích vay vốn…
- Do hiện tại qui định của Việt Nam về việc lược bỏ bớt hộ khẩu trong qui định về hồ sơ hành chính, tuy nhiên các nghiệp vụ khác vẫn bắt buộc khách hàng bổ sung các giấy tờ chứng từ chứng minh cư trú. Vì vậy, người đi vay nên trao đổi rõ các thủ tục pháp lý để tránh gặp sự cố mất thời gian sau này (công chứng thế chấp, thay đổi thông tin pháp lý chủ sở hữu, ký hợp đồng vay vốn….)
- Ngoài ra, để đảm bảo kế hoạch sử dụng vốn không bị ảnh hưởng, người đi vay cũng cần phải hỏi rõ về qui trình giải ngân và số tiền giải ngân (giải ngân từng lần hay giải ngân một lần), vì tùy mỗi thời điểm, các ngân hàng có thể sẽ hết room giải ngân hoặc phải phần bổ room giữa các chi nhánh, nên việc nhận nợ có thể sẽ phải chia ra thành nhiều phần nhỏ và nhận nợ nhiều lần.
Trên đây là những thông tin mà người đi vay vốn ngân hàng cần quan tâm khi có kế hoạch vay vốn ngân hàng.
Nếu cần thêm thông tin chi tiết hoặc cần tư vấn thì khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với các chuyên gia tư vấn từ Finser24h để nhận được những tư vấn tốt nhất, phù hợp nhất cho từng hồ sơ khách hàng.
Sơn Hoàng.