
Các hình thức lừa đảo qua mạng phổ biển – phần 1
(Các hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến – Phần 2)
Trong khi Công nghệ phát triển ngày càng hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu người dùng thì cũng là cơ hội để các Hacker lừa đảo qua mạng lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài chính, thông tin cá nhân, thông tin tổ chức hoặc các thông tin khác của người dùng nhằm thực hiện các mục đích vi phạm pháp luật khác.
Dưới đây là các hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến mà người sử dụng mạng cần hiểu, nắm rõ và luôn đề cao cảnh giác, đề phòng nhằm bảo vệ bản thân, gia đình trước các cuộc tấn công, mất hoặc thông tin của mình bị kẻ xấu sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Cùng tham khảo các hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến như sau:
- Combo du lịch giá rẻ: Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền bạc (tiền cọc), thông tin cá nhân (thông tin đặt chỗ) …qua các hình thức bẫy mua dịch vụ du lịch trọn gói.
- Cuộc gọi DeepFake, DeepVoice: Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những Video, Hình ảnh giả mạo, sao chép chân dung nhằm tạo ra các video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Phổ biến nhất là mượn tiền hoặc lừa chuyển tiền khắc phục sự cố, tai nạn…
- Giả mạo biên lại chuyển tiền thành công: Các đối tượng lừa nạn nhân mua hàng số lượng lớn trên mạng xã hội. Làm giả biên lại chuyển tiền thành công bằng phần mềm, photoshop…nhằm chiếm đoạt sản phẩm của người bán.
- Giả danh nhân viên y tế báo người thân bị tai nạn đang cấp cứu: Gọi điện thoại thông báo người thân đang nằm trong bệnh viện, cần chuyển tiền để tiến hành mổ gấp.
- Tuyển người mẫu nhí: Lợi dụng mạng xã hội tiếp cận dụ dỗ các bậc phụ huynh có con nhỏ đăng ký tham gia ứng tuyển người mẫu nhí. Sau đó thuyết phục đóng nhiều loại phí để tham gia.
- Thông báo “khóa sim” vì chưa chuẩn hóa thuê bao: Các đối tượng gọi điện thoại thông báo khóa dịch vụ viễn thông. Yêu cầu nạn nhân thực hiện theo hướng dẫn và đối tượng đánh cắp các thông tin chủ thuê bao.
- Giả danh công ty tài chính: Cung cấp khoản vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, mức vay cao, nhiều ưu đãi….sau đó yêu cầu nạn nhân đóng phí làm thủ tục vay vốn và chiếm đoạt.
- Cài cắm ứng dụng, liên kết quảng cáo đánh bạc, cá độ, tín dụng đen…: Các đối tượng gài bẫy quảng cáo, ứng dụng cho vay. Nạn nhân sau khi cài đặt và cấp quyền cho ứng dụng truy cập điện thoại sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt thông tin cá nhân, danh bạ, thông tin ngân hàng….
- Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp: Tạo trang web giả mạo có thông tin, giao diện giống với trang web của cơ quan, doanh nghiệp (đặc biệt là Ngân hàng). Sau khi người dùng truy cập trang web và tiến hành đăng nhập, kẻ gian sẽ sử dụng các thông tin mà người dùng nhập để đánh cắp hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
- Giả mạo SMS Brandname nhằm phát tán tin nhắn giả mạo: Các đối tượng sử dụng trạm phát song BTS giả mạo nhằm gửi hàng loạt tin nhắn lừa đảo tới người dùng. Nạn nhân làm theo hướng dẫn hoặc truy cập link trong tin nhắn sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tải virut về điện thoại.
- Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp: Gửi link thanh toán trực tuyến yêu cầu tham gia sàn giao dịch, yêu cầu nạn nhân gửi tiền đặt cọc và chiếm đoạt.
- Lừa đảo tuyển cộng tác viên online: Tuyển cộng tác viên “việc nhẹ lương cao”, giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tike, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn nhằm khuyến khích nạn nhân làm nhiệm vụ kiếm tiền, cọc tiền mua hàng hoặc làm nhiệm vụ, sau đó chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
- Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo: Dùng mọi cách thức nhằm Chiếm đoạt quyền quản trị, tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội Facebook, zalo….sau đó thực hiện nhắn tin cho người thân, bạn bè để mượn tiền.
Là một người sử dụng internet thông minh, người dùng cần trang bị cho mình những kiến thức căn bản trong việc sử dụng mạng một cách an toàn, cách thức bảo vệ thông tin cá nhân và tỉnh táo trước những lời dụ dỗ “đường mật” của các đối tượng trên mạng.
Sơn Hoàng.